Thông tin ba công khai

Trang chủ Giới thiệu Thông tin ba công khai

Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ PHÙ HỢP theo lứa tuổi

19/09/2023
930
Giai đoạn trẻ mầm non là lúc các bé sẽ bắt đầu làm quen với môi trường học tập mới và tập hình thành các kỹ năng sống cơ bản. Để giúp bé nhanh chóng hòa nhập và trở nên tích cực, sáng tạo và tự tin đối mặt với mọi thử thách trong quá trình phát triển bản thân, việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cùng tham khảo các kỹ năng tự phục vụ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé trong bài viết bên dưới.

Hiểu đúng về kỹ năng tự phục vụ ở trẻ mầm non.

Hiểu kỹ năng tự phục vụ như thế nào là đúng?

Hiểu một cách đơn giản, kỹ năng tự phục vụ là việc ba mẹ dạy bé học cách tự chăm sóc bản thân và làm quen với những sinh hoạt thường ngày trong ứng xử và trong giao tiếp đối với mọi người xung quanh, đây là một trong những kỹ năng sống dành cho trẻ mầm non nền tảng để trẻ hình thành tư duy tự lập. Tự phục vụ được xem là nền tảng cơ bản để dạy trẻ tự lập và hình thành tư duy, kỹ năng tích cực cho trẻ sau này. Bởi kỹ năng này không chỉ giúp trẻ có thể tự phục vụ bản thân mà còn chủ động, tự lập trong cuộc sống.
Trong quá trình trẻ khôn lớn nhất là khi con bắt đầu làm quen với môi trường giáo dục mầm non, khi phải tiếp xúc với cô giáo và rất nhiều các bạn nhỏ đồng trang lứa, kỹ năng tự phục vụ sẽ giúp con biết cách tự chăm sóc tốt cho bản thân mình từ đó mà dễ dàng thích nghi hơn. Kỹ năng tự phục vụ bao gồm cả hoạt động thể chất lẫn tinh thần, từ những việc làm đơn giản đến phức tạp, để hình thành những thói quen và lối sống tốt đẹp cho trẻ. Tùy vào từng giai đoạn phát triển khác nhau, bạn hãy dạy bé các kỹ năng sao cho phù hợp:

  • Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ từ 12 – 18 tháng: rửa tay, đánh răng, tập thay quần áo, tự cởi giày, làm quen với bàn chải tóc, tự chọn quần áo, tự xúc ăn, làm quen với việc uống nước bằng cốc, tự chơi ngoan,…
  • Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ từ 18 – 24 tháng: tự cởi quần áo, tự mặc đồ, cất đồ đúng chỗ, cởi giày, tự rửa mặt, tự chải tóc, tự lấy đồ ăn, rót nước, tự vứt rác, di chuyển các địa điểm mong muốn,…
  • Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ từ 2 – 3 tuổi: tự mặc quần áo phức tạp hơn, tự đi giày, tự tắm, tự lấy đồ ăn trong hộp hoặc tủ lạnh, ghi nhớ địa chỉ nhà, dọn bát đũa sau khi ăn, làm quen với rửa đồ vật,..
  • Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ từ 3 – 4 tuổi: tự gội đầu, phụ bố mẹ vào bếp, khám phá đồ gia dụng
  • Kỹ năng tự phục vụ cho trẻ từ 4 – 6 tuổi: trẻ có thể tự làm và thành thạo các kỹ năng ở mức độ khó.

Những lợi ích tuyệt vời mà ba mẹ sẽ nhận được khi rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non:

  • Bé hình thành sự tự tin, tự lập và biết làm chủ bản thân.
  • Con luôn có ý thức chăm sóc tốt cho bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.
  • Con dễ dàng thích nghi và hòa nhập tốt khi đến một môi trường mới.
  • Kỹ năng tự phục vụ giúp trẻ phát huy khả năng vận động thô và vận động tinh khéo léo, làm việc cẩn thận, gọn gàng.
  • Tạo lập cho bé khả năng lập kế hoạch, mục tiêu và kiên trì thực hiện.
  • Giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, sự tập trung và khả năng xử lý vấn đề.
  • Con trở thành người luôn có trách nhiệm với công việc, biết quan tâm giúp đỡ mọi người.

Rèn trẻ kỹ năng tự phục vụ tuổi từ 2 – 3

Giai đoạn từ 2 – 3 tuổi bé sẽ có những thay đổi và học thêm được những kỹ năng tự phục vụ như thế nào? Ba mẹ cần rèn luyện thói quen cho trẻ nào?

Tự mặc quần áo

Không chỉ dừng lại ở việc làm quen hay việc cởi đồ, bé từ 2 – 3 tuổi sẽ học cách tự mặc quần áo ở mức độ phức tạp hơn. Khi trẻ càng lớn, ba mẹ nên để bé tự mặc quần áo thay vì hướng dẫn và trợ giúp con như trước. Hãy để bé thử sức với những chiếc áo dài tay có khuy và mang nhiều kiểu dáng phức tạp hơn. Thay vì trực tiếp giúp bé, mẹ chỉ nên hướng dẫn con bằng lời nói, dạy trẻ đưa tay trái cầm ống tay phải, còn tay phải sẽ luồng vào ống tay trái, làm tương tự với tay còn lại cuối cùng là đứng lên và cài khuy áo từ dưới lên trên chẳng hạn.

Biết cách lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết

Khi bé đã khá thành thạo với việc mặc quần áo, ba mẹ có thể gợi ý cho bé cách lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với thời tiết. Ví dụ như: con có thể chọn áo ngắn tay, váy ngắn cho mùa hè hay những chiếc quần dài, áo khoác bông cho mùa đông. Việc mặc quần áo phù hợp với thời tiết sẽ giúp con bảo vệ sức khỏe cũng như mang lại tính thẩm mỹ cao.

Con đã bắt đầu có thể chọn những bộ quần áo mình thích và phù hợp với thời tiết
Con đã bắt đầu có thể chọn những bộ quần áo mình thích và phù hợp với thời tiết
 

Tự đi giày

Khi bé đã biết đi dép thành thạo, mẹ hãy tập cho con kỹ năng đi giày khi bé lên 3 tuổi. Tuy nhiên, con chưa thể tự buộc được dây giày nên mẹ hãy lưu ý lựa chọn những đôi giày có quai dán để bé dễ dàng học được.

Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ – Tự tắm

Bố mẹ cần để con tắm thường xuyên để loại bỏ các bụi bẩn trên da
Trẻ nhỏ có thể tự tắm một mình hay không?

Bé từ 2 – 3 tuổi chưa thể tự tắm hoàn toàn thế nhưng mẹ có thể giám sát và giúp đỡ con trong quá trình tắm. Thay vì tắm cho bé, hãy để con được khám phá cách sử dụng vòi hoa sen, bồn tắm và các dụng cụ khi tắm như: xà bông, sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội,…

Hãy đảm bảo bạn luôn ở trong phòng tắm cùng bé để quan sát và tránh để các tai nạn không may xảy ra, vừa để hướng dẫn con cách kỳ cọ, làm sạch như thế nào. 

Tự lấy đồ ăn trong hộp, túi hay trong tủ

Khả năng ghi nhớ của các bé nhỏ rất tốt, nếu ba mẹ cất đồ ăn trong tủ và nhờ bé lấy giúp, trẻ hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ này. Trong giai đoạn từ 2 cho đến 3 tuổi, ba mẹ cũng có thể dạy con ghi nhớ và sử dụng các vật dụng trong nhà như mở khóa cửa, sử dụng tủ lạnh, tivi, lấy đồ đạc,… cũng như các kỹ năng sống gọn gàng ngăn nắp sau khi sử dụng bất kỳ thứ gì, cất quần áo hay đồ chơi.

Biết cách ghi nhớ và nhận biết nhà, địa chỉ nhà của mình

Việc ghi nhớ địa chỉ nhà sẽ giúp bé tìm được ba mẹ nếu chẳng may con đi lạc hay bị kẻ xấu theo dõi. Thế nên việc ba mẹ chủ động dạy con ghi nhớ địa chỉ nhà sẽ giúp bé tự tin và tự chủ hơn mỗi khi ra ngoài.

Ghi nhớ địa chỉ nhà hay SĐT của bố mẹ là một trong những kỹ năng an toàn cần thiết
Ghi nhớ địa chỉ nhà hay SĐT của bố mẹ là một trong những kỹ năng an toàn cần thiết
 

Tự dọn bát đũa của mình sau khi ăn

Hoạt động dọn dẹp bát đũa sau khi ăn sẽ giúp các bé nuôi dưỡng ý thức giữ gìn vệ sinh và tự giác hoàn thành công việc của mình. Các bạn nhỏ từ 2 tuổi trở lên thường được ba mẹ khuyến khích cho tham gia vào một phần công việc dọn dọn sau khi ăn như: để con tự thu dọn bát đũa, trút đồ ăn thừa vào chung một bát, mang bát bỏ vào bồn rửa,…

Rửa đồ vật

Với các bé trong độ tuổi lên 3, ba mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ bằng cách để bé làm quen với công việc rửa các đồ vật như các món đồ chơi, rửa bát đĩa nhựa,… Mẹ hãy hướng dẫn và sắp xếp để bé được tự rửa, tự tráng và nếu cần hỗ trợ hay rửa lại sau đó thì mẹ sẽ làm tiếp. Mục đích của hoạt động này là giúp bé cảm thấy hào hứng, vui vẻ và sẵn sàng tự phục vụ, tự giác dọn dẹp sau khi làm xong một việc nào đó.

Hãy để con yêu được thoải mái khám phá công việc nhà.
Hãy để con yêu được thoải mái khám phá công việc nhà.
 

Trẻ 3 – 4 tuổi cần gì để có thể tự phục vụ?

Bước vào giai đoạn 3 – 4 tuổi, các bé đã có nhiều thời gian để học hỏi và làm quen với các kỹ năng trước đó nên các hành vi ở độ tuổi này đòi hỏi bé cần biết thêm các kỹ năng mới đa dạng và có phần phức tạp hơn. Tìm hiểu ngay!

Tự gội đầu

Bé lên 3 tuổi có thể tự tắm một mình nhưng cần phải có sự giám sát từ ba mẹ, lúc này bạn cũng có thể bắt đầu hướng dẫn bé cách tự gội đầu. Vì đây vẫn là thời gian bé đang tự khám phá và làm quen với các kỹ năng mới nên chủ yếu việc gội đầu vẫn sẽ cần sự chỉ dẫn, trợ giúp của người lớn.

Cùng ba mẹ vào bếp

Để bé cùng ba mẹ vào bếp là một trải nghiệm vô cùng bổ ích để con yêu trở nên hào hứng hơn khi nói chuyện về các món ăn, các loại rau củ quả,… từ đó giúp bé thêm yêu và quý trọng các loại thực phẩm. Các bạn nhỏ từ 3 – 4 tuổi có thể làm được một số việc nhỏ và nhẹ như lấy đồ giúp mẹ, nếm món ăn, lột trứng, dầm bơ, rửa trái cây, tập đập trứng, cắt lát cơ bản,….

Cho con yêu cơ hội cùng vào bếp để phụ giúp ba mẹ là cách để dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ hiệu quả
Cho con yêu cơ hội cùng vào bếp để phụ giúp ba mẹ là cách để dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ hiệu quả

Hành động cho con tham gia và các công việc nấu nướng cùng ba mẹ cũng chính là khoảnh khắc hình thành sự độc lập từ từ trong trẻ. Theo những nghiên cứu về nhận thức trẻ nhỏ cho thấy, những trẻ được tham gia phụ giúp các công việc dù là nhỏ nhất trong gia đình từ sớm sẽ có khả năng tự tin và độc lập hơn khi trưởng thành.

 

Táy máy các món đồ gia dụng

Giai đoạn từ 3 – 4 tuổi là thời điểm trẻ rất tò mò và táy máy với các món đồ gia dụng trong nhà như: máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, máy rửa bát,… Tuy nhiên các thiết bị này luôn tiềm ẩn một mối nguy hiểm nhất định vậy nên ba mẹ hãy luôn để mắt tới trẻ. Hãy chỉ cho bé kỹ năng sử dụng các món đồ gia dụng cơ bản nhất và chỉ nên cho bé áp dụng khi có sự giám sát của ba mẹ.

Hướng dẫn con yêu cách sử dụng các món đồ gia dụng khi còn tò mò về chúng.
Hướng dẫn con yêu cách sử dụng các món đồ gia dụng khi còn tò mò về chúng.

Rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non từ 4 – 6 tuổi như thế nào?

Bước sang độ tuổi từ 4 – 6 tuổi, trẻ hầu như đã có thể tự làm và thực hiện được hết các kỹ năng cơ bản ở mức độ khó như:

  • Kỹ năng tự mặc đồ: các bộ đồ có cổ, khuy áo hay khóa kéo phức tạp đều được bé mặc dễ dàng mà không cần tới sự giúp đỡ từ ba mẹ.
  • Kỹ năng tự chải tóc: việc chải tóc cũng trở nên “dễ như ăn kẹo” bởi lúc này bé đã có thể tự thao tác và học tết những kiểu tóc đơn giản.
  • Trẻ 4 – 6 tuổi cũng đã có thể tự tắm gội, tự vệ sinh cá nhân, tự đánh răng, rửa mặt,… thành thục và đã đến lúc để bố mẹ dạy các kỹ năng nâng cao hơn như kỹ năng sống phép lịch sự trong bữa ăn 
  • Khả năng suy nghĩ của trẻ đã có nhiều tiến bộ nên con đã biết cách lựa chọn đồ để mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết mỗi khi đi ra ngoài.
  • Những đôi giày có dây đã không còn có thể làm khó trẻ vì con đã biết tự buộc dây giày.
Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ tự buộc giây dày là một trong những kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá "nâng cao", thậm chí với trẻ ở lứa tuổi lớn hơn
Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ tự buộc giây dày là một trong những kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá “nâng cao”, thậm chí với trẻ ở lứa tuổi lớn hơn

Lúc này, ba mẹ sẽ đóng vai trò là người bạn đồng hành cùng con thay vì là người trợ giúp, giám sát con như trước. Bé lên 6 tuổi đã được trang bị kỹ năng tự phục vụ khá hoàn thiện và con có thể tự tin bước vào lớp 1.

 

Những lưu ý dành cho cha mẹ khi dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ

Để con có thể học được những kỹ năng tự phục vụ một cách dễ dàng và tự nguyện, ba mẹ cần lưu ý tới một số cách rèn trẻ vào nề nếp sau.

Hãy luôn đồng hành cùng con từng bước một và kiên nhẫn

Sự đồng hành của ba mẹ có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển kỹ năng sống của trẻ nhỏ.
Sự đồng hành của ba mẹ có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển kỹ năng sống của trẻ nhỏ.

Chúng ta đều biết rằng mỗi bạn nhỏ sẽ có tốc độ tiếp thu kiến thức và tốc độ làm quen với các kỹ năng khác nhau tùy vào khả nhận thức, trí tuệ, sự tác động từ môi trường sống, gia đình,… Hiểu được điều ấy, việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ cũng như rèn trẻ tự lập cũng rất cần có sự đồng hành và kiên nhẫn của ba mẹ. Thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc bé nhà mình phải làm được, bạn chỉ nên dừng lại ở việc động viên và hãy luôn đồng hành cùng con. Việc khuyến khích tinh thần này dần dần sẽ xây dựng lòng tin và sự can đảm cho bé.

Làm gương cho con cái

Khi muốn hướng bé đến kỹ năng sống nào, tốt nhất ba mẹ hãy làm gương cho con noi theo, điều này cũng đúng với việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non. Trẻ nhỏ rất thích bắt chước, nhất là bắt chước các hành động của chính ba mẹ mình. Vậy nên cách ứng xử và thói quen sống của ba mẹ dù là tích cực hay tiêu cực cũng sẽ tác động ít nhiều tới quá trình hình thành và phát triển nhận thức của bé. Quá trình hướng dẫn con phát huy kỹ năng tự phục vụ cũng chính là cơ hội để ba mẹ tự hoàn thiện chính bản thân mình, từ đó mới có thể làm tấm gương tốt cho bé noi theo.

Hãy trở thành tấm gương sáng cho bé yêu noi theo ba mẹ nhé!
Hãy trở thành tấm gương sáng cho bé yêu noi theo ba mẹ nhé!
 

Khen ngợi và khuyến khích con nhiều hơn

Trong suốt quá trình rèn kỹ năng tự phục vụ cho bé, ba mẹ đừng quên khen ngợi và khuyến khích tinh thần trẻ. Bởi các bé sẽ vô cùng thích thú khi được bạn ghi nhận mỗi khi con hoàn thành một kỹ năng mới. Đây cũng sẽ trở thành động lực tinh thần to lớn để con tự tin dám khám phá và chinh phục nhiều kỹ năng hơn nữa.

Khi bé mắc lỗi hoặc chưa học được các kỹ năng như ba mẹ mong đợi, bạn cũng không nên trách mắng hay tỏ ra thất vọng về trẻ. Điều này sẽ mang đến tâm lý tiêu cực cho bé, con có thể trở nên tự ti, nhút nhát và né tránh việc học kỹ năng mới. 

Ba mẹ hãy khen ngợi, khuyến khích trẻ khi con tự giác nói cảm ơn - xin lỗi 
Sự công nhận, ngợi khen của ba mẹ giúp bé tự tin hoàn thiện bản thân tốt hơn.

Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ nói riêng mang lại cho bé khả năng tự lập, tự mình chăm sóc bản thân khi không ở cạnh bố mẹ. Đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết và có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hình thành tính cách trẻ mà ba mẹ cần trang bị cho các bé càng sớm càng tốt.

Sưu tầm

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 4 đánh giá
Chia sẻ: