Trang chủ Trang chủ

Trường Mầu giáo Mầm Non A tổ chức kiến tập chuyên đề Steam cho đội ngũ giáo viên nhà trường

01/04/2024
259
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 -2024, ngày 29/3/2024 nhà trường tổ chức kiến tập chuyên đề Ứng dụng phương pháp Steam vào hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non. Nhận thức rõ chuyên đề “ Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 -2026 nên nhà trường cùng tổ chuyên môn xây dựng 04 hoạt động học mà trẻ đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động, trẻ được hoạt động trong một môi trường tích cực, chủ động, sáng tạo và được phát huy hết khả năng của mình.

Tại buổi kiến tập nhà trường rất vinh dự đón cô Trần Thị Hằng – Nguyên giảng viên trường Cao Đẳng sư phạm Trung Ương, các đồng chí trong Ban giám hiệu và các cô giáo là đại diện của các khối, lớp tới dự 4 hoạt động của 3 lứa tuổi bé , nhỡ, lớn. Các tiết học được xây dựng áp dụng quy trình 5E và quy trình EDP một trong những phần lý thuyết mà các cô đã được tập huấn bồi dưỡng trong năm học.

Đồng chí Lê Thị Vân – Phó hiệu trưởng nhà trường triển khai buổi kiến tập

Với mỗi lứa tuổi tổ chuyên môn nhà trường xây dựng giáo án sao cho phù hợp với mục tiêu, kiến thức, kĩ năng của trẻ. Tại giờ học của lớp Mẫu giáo bé C2 dưới sự dẫn dắt tài tình của cô giáo Lê Thi Hằng các bé rất hào hứng say mê, cuốn hút vào bài dạy của cô với đề tài: “ Khám phá bánh Mochi” các bé không chỉ được khám phá bằng tất cả các giác quan nghe, nhìn, ngửi, chạm để biết được màu sắc, hình dạng, mùi vị, nguồn gốc của bánh. Có thể nói bước vô cùng quan trọng để trẻ có thể hiểu sâu sắc hơn về đối tượng mà trẻ muốn khám phá đó là làm việc nhóm và ghi chép kết quả tại bảng lưu kết quả của mỗi nhóm. Trẻ còn được phát triển ngôn ngữ và khả năng tự tin qua phần thuyết trình của nhóm mình.

Giờ học: “ Khám phá bánh Mochi” – MGB C2

Không chỉ có giờ học khám phá mới áp dụng quy trình 5E mà với môn toán của cô Hoài Linh-lứa tuổi mẫu giáo nhỡ thì việc đưa quy trình 5E vào bài dạy đã giúp trẻ phát triển tư duy logic, cách làm việc nhóm hiệu quả và trẻ luôn chủ động trong các hoạt động của mình. Trẻ cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau kết luận. Cô chỉ là người chính xác hóa lại kết quả.

Giờ học LQVT: “Số 5”- Lớp MGN B1

Với lứa tuổi mẫu giáo lớn thì có rất nhiều các đề tài phong phú phù hợp với lứa tuổi. Năm học này với mô hình “Văn hóa dân gian trong trường học” cô giáo Tô Minh Phương giáo viên lớp MGL A3 cũng mạnh dạn lựa chọn tiết dạy “ Khám phá điệu múa xòe dân tộc Thái” đã mang đến một không khí lớp học vô cùng sôi động, trẻ hào hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động. Thông qua bài dạy trẻ hiểu hơn về văn hóa dân tộc Thái biết được các động tác của múa xòe, những đạo cụ đặc trưng, hiểu được điệu múa được diễn ra vào những ngày lễ nào trong năm. Điều thú vị đó là trẻ được hóa thân thành những chàng trai, cô gái Thái để biểu diễn với các đạo cụ của điệu múa xòe.

Giờ học: “ Khám phá điệu múa xòe” – Lớp MGL A3

Một trong những hoạt động khó đối với trẻ mầm non đó là hoạt động thiết kế chế tạo hay còn gọi quy trình EDP trong thiết kế chế tạo sản phẩm. Với hoạt động này trải qua 5 bước của một quy trình trẻ phải biết cùng nhau hoặc cá nhân thiết kế bản vẽ trước khi vào thực hiện và phải đạt các tiêu chí đã được cô và các bạn thỏa thuận. Tuy nhiên qua hoạt động chế tạo trẻ học được các kĩ năng về lĩnh vực công nghệ, cách phân công công việc trong nhóm, cách lựa chọn nguyên liệu sao cho phù hợp với yêu cầu và trung thành với bản vẽ. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành sản phẩm mà sau khi hoàn thành các nhóm sẽ thử nghiệm xem có đạt tiêu chí đã đưa ra ban đầu không, có sự điều chỉnh gì khi sản phầm bị lỗi không. Qua đó trẻ học được rất nhiều bài học về khả năng tư duy và cách giải quyết sự việc có logic. Và với tiết học “ Chế tạo áo mưa” của cô giáo Lưu Thị Tứ - giáo viên lớp MGL A1 vô cùng ấn tượng. Trẻ chủ động, tích cực, sáng tạo và hoạt động vô cùng hiệu quả, hoàn thành sản phẩm đúng với bản vẽ của nhóm mình.

Giờ học “ Chế tạo áo mưa”- Lớp MGL A2

Mỗi tiết học là những màu sắc khác nhau nhưng với việc áp dụng quy trình 5E và EDP vào hoạt động học đã thu hút sự chú ý của trẻ, trẻ quan tâm đến vấn đề và cùng nhau đi giải quyết, trẻ hiểu sâu sắc bản chất của vấn đề giúp trẻ chủ động, sáng tạo và luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Sau buổi kiến tập, nhà trường tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm cho tổ chuyên môn dạy. Giảng viên Trần Thị Hằng đánh giá chung về công tác chuẩn bị giáo án cũng như đồ dùng, đầy đủ, hiệu quả, trẻ hứng thú tham gia tích cực vào hoạt động, đảm bảo tiêu chí của một giờ ứng dụng phương pháp Steam vào tiết học. Giáo viên hiểu sâu hơn về phương pháp, hình thức tổ chức tiết học và cách lựa chọn đề tài, mục tiêu phù hợp với từng độ tuổi.

Giảng viên Trần Thị Hằng nhận xét, góp ý các tiết dạy cho giáo viên

Ban truyền thông
Dữ liệu trường MG Mầm Non A

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 22 đánh giá
Chia sẻ: