Góc phụ huynh

Sức khỏe ngày Xuân Đề phòng một số bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa xuân

18/02/2024
116
Trong những ngày xuân, thời tiết ẩm và thay đổi thất thường lúc nóng, lúc lạnh. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nhất là trẻ mới sinh thường dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm màng não, phổ biến nhất là viêm phổi. Phòng bệnh cho trẻ như thế nào là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm.

1. Sốt, ho, sổ mũi, viêm họng: Do không khí ô nhiễm, có thể buổi sáng trời se lạnh nhiều sương mù, trưa lại nắng lên ngột ngạt trẻ rất hay bị các triệu chứng này. Nhất là khi trẻ ở trong điều hòa quá lâu, ra ngoài đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp. Cho trẻ uống nước, ăn đá để trong tủ lạnh cũng dễ bị viêm họng. Khi nhiễm bệnh trẻ khó thở, khò khè, biếng ăn, có trường hợp sốt cao co giật.

Nếu trẻ sốt, cần đắp khăn mát lên trán, khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt (loại dùng cho trẻ em) để giảm thân nhiệt. Trẻ bị sổ mũi, ho nhiều, viêm họng nặng nuốt khó, cha mẹ không tự ý mua thuốc điều trị, mà cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để chữa bệnh theo đơn thuốc.

 

 

2. Bệnh viêm phổi: Đây là một bệnh nặng ở trẻ nhỏ, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Sở dĩ trẻ nhỏ dễ bị viêm phổi và thường bị nặng hơn trẻ lớn là do cơ thể các bé còn rất yếu và non nớt, nhiều bộ phận, nhiều chức năng sinh lý chưa hoàn chỉnh khiến cơ thể chưa thích ứng đầy đủ với điều kiện và thời tiết bên ngoài. Những vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, trực khuẩn coli, nấm, trực khuẩn mủ xanh, nhiều khi chỉ là những vi khuẩn thông thường ký sinh ở mũi, họng hay ở những đồ vật (quần áo, tã lót...) thường dùng, nay gặp điều kiện thuận lợi (khi trẻ bị nhiễm lạnh) trở thành tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Một điều quan trọng các bậc cha mẹ cần chú ý là bệnh viêm phổi ở trẻ mới đẻ có những đặc điểm khác với bệnh viêm phổi ở trẻ lớn. Những dấu hiệu của bệnh viêm phổi ở trẻ mới sinh trong thời kỳ đầu thường rất kín đáo, khiến chúng ta dễ bỏ qua. Mới đầu trẻ chỉ nôn trớ nhẹ, bú yếu, hơi thở nhanh, hơi tím tái quanh môi mỗi khi trẻ khóc. Có trẻ mệt nhiều, ngủ li bì, ít phản ứng với xung quanh. Một số ít các bé có thêm dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, ho, nhưng cũng ít gặp hơn so với trẻ lớn.

Thường chúng ta cho rằng trẻ bị viêm phổi bao giờ cũng ho, sốt cao, nhưng những dấu hiệu này lại ít gặp ở trẻ mới sinh. Trẻ mới sinh bị viêm phổi thường ít sốt. Theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ mới sinh bị viêm phổi có sốt chỉ chiếm khoảng 27 - 28% và thường chỉ sốt nhẹ trên 37 độ C. Số bị sốt cao trên 38 độ C chỉ khoảng 10%. Đặc biệt, những trẻ đẻ thiếu tháng non yếu bẩm sinh bị viêm phổi hầu hết không sốt, có trường hợp nhiệt độ còn hạ hơn mức bình thường.

Trước những dấu hiệu “nghèo nàn” trên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng con mình chỉ cảm sốt qua loa, không chú ý chữa bệnh cho con. Nhưng đây lại chính là thời kỳ điều trị có nhiều hi vọng nhất, nếu bỏ qua thời kỳ này bệnh sẽ diễn biến nặng và tiên lượng sẽ rất xấu. Chờ đến khi bệnh đã có những triệu chứng rõ rệt, trẻ khó thở, tím tái, cánh mũi phập phồng... thì bệnh đã quá nặng. Chính vì vậy, cha mẹ phải chăm sóc trẻ chu đáo, theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên, không được bỏ qua những dấu hiệu nhỏ, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu kể trên nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán và điều trị sớm hay muộn.

Để đề phòng bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phổi những lúc giao mùa, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ chu đáo, không cho trẻ mặc nóng quá cũng không để các bé ăn mặc phong phanh. Đặc biệt chú ý đến những hôm thời tiết thay đổi, những đợt gió mùa đông bắc về sớm để đề phòng trẻ bị lạnh đột ngột.

 

 Ảnh minh họa

 

Khi trẻ đã bị bệnh viêm phổi, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà mà đưa ngay trẻ đến khám bệnh ở những cơ sở y tế tin cậy và sử dụng thuốc uống hoặc tiêm theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Bệnh viêm màng não: Thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa với hai hội chứng viêm màng não do mô cầu (VMNMC) và viêm màng não mủ (VMNM). VMNMC lây qua đường hô hấp trên do vi khuẩn gây nên. Sau khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể người bệnh có triệu chứng như viêm mũi, họng, sốt cao có thể co giật, đau đầu, buồn nôn... Từ đường hô hấp trên vi khuẩn sẽ xâm nhập vào mạch máu vào khoang não tủy và một số cơ quan khác gây viêm đau. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng cho trẻ về thần kinh, thẩm mĩ. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở miền Bắc do thời tiết lạnh, ẩm và người mắc nhiều nhất là trẻ em và học sinh tại trường học hay sống ở kí túc xá, khu đông dân cư có môi trường ô nhiễm.  

 VMNM (Hib) xuất hiện nhiều khi thời tiết ẩm ướt và trẻ từ 2 -5 tuổi thường bị với các triệu chứng như sốt cao trên 38 độ, nôn, ngủ lịm, thóp phồng, cứng gáy, trẻ vật vã, co giật từng cơn.

Nếu được phát hiện sớm, hai dạng bệnh này có thể chữa trị bằng kháng sinh liều cao, nhưng phát hiện muộn sẽ nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng liệt toàn thân, bại não, méo tiếng, chân tay khoèo... khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi và khó hòa nhập với cuộc sống sau này. Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ. Đồng thời, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, răng miệng cho trẻ sạch sẽ và giữ nhà cửa gọn gàng, thông thoáng, nhiều ánh sáng, tránh để trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm ướt. Khi thấy trẻ có những biểu hiện của viêm màng não, cần đưa trẻ đến khám và điều trị ở các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa, không được tự chữa bệnh ở nhà. 

Ban truyền thông
Sưu tầm

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: