Góc phụ huynh

Cách điều trị chàm da ở trẻ

07/06/2023
253
Chàm da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Mùa hè cũng là mùa khiến bệnh chàm dễ tiến triển, nếu không điều trị, xử trí đúng sẽ để lại sẹo.

1. Chàm da là gì?

Chàm da hay còn gọi là viêm da dị ứng, eczema, viêm da cơ địa với biểu hiện là các nốt mụn nước trên da của trẻ. Các vết chàm thường xuất hiện ở chân, cánh tay, má, vùng da đầu, ngực và các bộ phận khác.

Chàm da không lây nhiễm, có thể tự khỏi, nhưng nhiều trường hợp tiến triển nặng lên, dễ bị nhiễm trùng. Nếu không xử lý đúng cách rất dễ để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc bệnh sẽ trở thành mạn tính.

Chàm da thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Chàm da thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

2. Nguyên nhân và biểu hiện của chàm da

Đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân gây chàm da ở trẻ, nhưng có những yếu tố nguy cơ cao:

Trẻ có bố mẹ hoặc người thân từng bị chàm da.
Trẻ bị dị ứng sữa mẹ, sữa bò, thức ăn...

Bệnh chàm có thể xuất hiện dưới dạng các mẩn đỏ, đóng vảy trên da của bé. Khi chạm vào da bé sẽ có cảm giác thô ráp và nổi những vảy nhỏ li ti. Trẻ chưa biết nói sẽ quơ tay như muốn gãi, giụi mặt, khó chịu, quấy khóc do bị ngứa ngáy.

Khi các mụn nước vỡ ra sẽ gây bết dính trên vùng chàm tạo thành một lớp hóa sừng bì cứng. Sau khi da non tái tạo, lớp sừng bong dần khiến bé rất ngứa, thậm chí nứt da. Nếu nứt nẻ lớn có thể dẫn tới rỉ máu và nhiễm trùng, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo sâu.

3. Điều trị chàm da thế nào?

Chàm da ở trẻ thông thường tự khỏi sau 2 tuổi. Tuy nhiên cần có cách chăm sóc và vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ. Đặc biệt là việc cấp ẩm cho da sẽ giúp bệnh thuyên giảm đáng kể.

Khi trẻ mới xuất hiện chàm, cha mẹ có thể áp dụng một vài cách đơn giản:

Thoa kem dưỡng ẩm ceramides nhiều lần trong ngày, thoa ngay sau khi tắm.
Tắm với nước vừa đủ ấm, không lạnh, không nóng cũng giúp trẻ dịu ngứa. Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, không hương liệu.
Xà phòng giặt không mùi, không chất tẩy.
Mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, chất vải mềm (cotton), thấm mồ hôi. Tránh mặc quần áo dày vì khi trẻ nóng, đổ mồ hôi có thể làm bùng phát chàm.

Ngoài tìm yếu tố nguy cơ như phát hiện trẻ bị dị ứng sau khi uống sữa công thức, trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng khi ăn nhiều thịt bò, trẻ xuất hiện dị ứng… thì cần nghĩ đến trẻ dị ứng đạm bò và ngừng các chế độ ăn có liên quan đến bò ngay.

Ngoài thức ăn, còn các yếu tố khác như lông của vật nuôi, xà phòng, chất liệu vải quần áo, chăn ga… Nếu thấy trẻ dị ứng sau khi tiếp xúc, thì cần loại bỏ những yếu tố nguy cơ này để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.

Nếu điều trị không đúng, tính trạng chàm da sẽ bị bội nhiễm, gây khó chịu và có thể để lại sẹo.

Nếu điều trị không đúng, tính trạng chàm da sẽ bị bội nhiễm, gây khó chịu và có thể để lại sẹo.

Thuốc nào điều trị chàm da?

Mặc dù đa phần trẻ sẽ tự khỏi chàm da sau 2 tuổi, nhưng như trên đã phân tích, quá trình lên da non khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, có thể gào gãi hoặc da tự nứt… dẫn đến các tổn thương, bội nhiễm. Do đó cũng khá nhiều trẻ cần sử dụng thuốc bôi.

Tuy nhiên, bôi thuốc nào thì cần bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa nhi chỉ định sau khi đánh giá tình trạng chàm da để kê đơn thuốc phù hợp.

Thực tế là có khá nhiều cha mẹ do sốt ruột tình trạng chàm da của con mà tự giã các loại lá cây theo mách bảo dẫn đến tình trạng bội nhiễm da cực kỳ nguy hiểm. Một số trường hợp lại tự ý mua thuốc (mà chủ yếu là corticoid) về thoa. Khi thấy trẻ đỡ nhanh nên dễ dàng lạm dụng, cũng để lại không ít hệ lụy. Làn da của bé rất mỏng manh và nhạy cảm, do đó khi cha mẹ bôi bất kỳ loại thuốc nào, từ loại lá dân gian hay thuốc tây y đều có thể dẫn đến kích ứng da làm trầm trọng bệnh hơn.

Thông thường, các loại kem bôi ngoài da điều trị chàm sữa gồm có:

Kem giữ ẩm:Là loại nên dùng đầu tiên và nên dùng lâu dài. Chú ý mua theo đơn của bác sĩ kê, bởi vì khi kê đơn, bác sĩ sẽ lựa chọn sản phẩm an toàn cho da trẻ.

Kem bôi chứa corticoid:Một số trẻ bị chàm da cấp nặng, tái phát nhiều lần khiến da bị sừng hóa nhiều, bác sĩ có thể kê corticoid thoa tại chỗ trong giai đoạn cấp, với hàm lượng thấp từ 0,05-1%.

Lưu ý: Chỉ lấy một lượng kem vừa đủ, thoa lớp mỏng ngày 1-2 lần, đúng vùng tổn thương, không bôi lan rộng ra ngoài. Đây là thuốc có chỉ định chặt chẽ với thời gian và liều dùng cần tuân thủ đúng hướng dẫn, tuyệt đối không được lạm dụng vì sẽ gây hậu quả cho trẻ. Corticoid có hiệu quả nhanh, chỉ sau 1-2 ngày bôi thuốc đã thấy tổn thương chàm lặn đi, trẻ hết ngứa.

Thuốc chỉ dùng tối đa 7 ngày, không tùy tiện bôi thuốc kéo dài hoặc tự ý dùng thuốc trong đợt tái phát sau.

Kháng histamin: Với trẻ bị ngứa nhiều, khó chịu quấy khóc, bác sĩ có thể kê đơn kháng histamine H1 để giảm bớt triệu chứng này.

Khi có bội nhiễm: Nếu chàm da có bội nhiễm, rỉ dịch, bác sĩ có thể kê đơn thuốc millian 1% hay eosine 2%... Nếu có kèm theo mưng mủ, sốt thì cần nghi ngờ có nhiễm trùng (có mụn mủ, trẻ sốt...), có thể cần dùng kháng sinh uống như cephalexin, cefadroxyl, oxacillin, erythromycin... theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi điều trị chàm da theo hướng dẫn rồi nhưng 5 ngày sau bệnh không thuyên giảm, cần đưa trẻ đến bệnh viện tái khám. Ngoài ra, phụ huynh cần để ý tránh cho trẻ các tổn thương hơn khi bị chàm da, bằng cách:

- Cố gắng giữ cho bé không gãi trầy vùng da tổn thương khiến chàm nặng hơn, dẫn đến nhiễm trùng; vùng da bị kích ứng sần dày hơn.

- Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên để hạn chế tổn thương khi trẻ gãi.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: